Im lặng đến không ngờ
Nhà báo Lang Minh: Thưa TS. Phạm Hiệp, anh bắt đầu hành trình viết cuốn sách có cái tên đầy thách đố “Để vượt qua 81 ‘kiếp nạn’ của nghiên cứu sinh” này từ đâu – một câu hỏi chuyên môn, một trăn trở xã hội, hay một ký ức cá nhân?
TS. Phạm Hiệp: Năm 2017 tôi bỏ việc ở một trường công, chính thức khởi nghiệp với Chương trình Huấn luyện nghiên cứu trong khoa học xã hội (Research Coach in Social Sciences – RCISS).
Nói đơn giản thì RCISS là một khóa “học thêm” dành cho các bạn muốn nâng cao kỹ năng nghiên cứu khoa học xã hội nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của việc học Thạc sỹ (Ths) và Tiến sỹ (TS) trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tôi còn có thêm các buổi tư vấn riêng với học viên của mình về các nội dung như xin học bổng du học, chọn thầy, chọn trường cũng như xử lý các khúc mắc liên quan trong quá trình học và nghiên cứu
Khi tư vấn hay tâm sự cuối buổi với các bạn, tôi chợt nhận ra cái nút thắt to hơn với học viên của mình có khi lại nằm ngoài học thuật:
Hầu hết giảng viên trẻ thì băn khoăn về định hướng nghề nghiệp, phát triển cá nhân trong môi trường đại học liên tục biến động.
Các học viên lớn tuổi hơn (ví dụ là doanh nhân, , công chức nhà nước… đi học tiến sĩ) không biết mình có nên chuyển nghề vào hẳn khối giáo dục hay vẫn chỉ dừng ở mức thỉnh giảng.
Và vô số trăn trở nằm ngoài giáo trình: kinh tế, danh dự với gia đình, sức khỏe suy giảm,… Dù tôi cũng có nhiều trải nghiệm khó nói như vậy khi còn là nghiên cứu sinh (NCS), nhưng tập hợp các vấn đề tâm lý cần “chữa lành” của giới nghiên cứu viên này đa dạng đến mức tôi vẫn phải kinh ngạc.
Hiện tượng những rào cản tâm lý trên, dù ngày một phình lên (tỷ lệ thuận với sự phát triển của giới học thuật ởViệt Nam), mà vẫn chưa được xướng tên, vẫn âm ỉ dừng lại ở những buổi nói chuyện 1 – 1 ở RCISS; làm tôi nghĩ rằng đây là một hiện tượng xã hội cần phải lên tiếng, cần phải được viết ra.
Đầu tiên, tôi đăng các câu chuyện nhỏ trên Facebook cá nhân, bài phân tích ngắn trên báo chí. Sự phản hồi tích cực của công chúng thể hiện đúng điều tôi trăn trở: chúng ta thiếu một diễn đàn rộng khắp và nghiêm túc cho “sức khỏe tinh thần” chung của cộng đồng nghiên cứu.
Đó là nguồn động viên để tôi tập hợp các bài trên thành một hệ thống hoàn chỉnh – cuốn sách Để vượt qua 81 ‘kiếp nạn’ của nghiên cứu sinh.
– Anh từng nói vui: Đây là cuốn sách “chữa lành” đầu tiên dành cho nghiên cứu sinh ở Việt Nam. Tại sao đến thời điểm này mới có, tại sao lại “thiếu diễn đàn” như anh nói trên?
NCS thường có độ tuổi từ 25-40 – là lứa tuổi lập nghiệp. Họ gặp đủ va vấp và tổn thương như mọi người trẻ khác, nhưng xã hội lại bị mặc định rằng họ đang ở trong tháp ngà, chỉ cần lo sách vở mà thôi.
Thêm nữa, NCS thì thường là thầy giáo mà với văn hóa Việt Nam, vị thế của người thầy rất cao. Ta thường nghĩ thầy là người đi giải quyết vấn đề cho người khác, chứ thầy sẽ chẳng vướng bận vấn đề gì.
Hai chuẩn định văn hóa đó thành một vòng xoáy làm nghiên cứu sinh không dám nói ra, hoặc tự lờ đi vấn đề của mình. Càng để lâu, vấn đề càng chồng chất.
Một ví dụ thường thấy là thu nhập của giảng viên hiện nay vẫn thấp so với các sàn thu nhập chung của các ngành đòi hỏi tri thức (luật sư, bác sỹ, chuyên gia tài chính,…). Lương trung bình của GV có bằng TS hiện nay chỉ khoảng 15-20 triệu/tháng làm không ít NCS hoang mang trong thầm lặng.
Là người đồng hành theo sát các NCS, tôi nhận ra nỗi ngượng ngập ấy. Thu nhập là việc hoàn toàn phải thảo luận công khai chứ không phải che giấu vì ngại ảnh hưởng đến hình ảnh “người thầy”.
Nghiên cứu như một nghề
– Tiêu đề sách đầy sức gợi. Tôi đang thấy mỗi người lại tìm ra một ý nghĩa riêng từ tiêu đề: cuốn sách là “chân kinh phải đi thỉnh”, là “bảo bối giúp Đường Tăng vượt nạn”, là “bản đồ vẽ chi tiết các kiếp nạn”,… Xin anh kể lại sự tích về cái tên này?
Bản thân tên sách đã là một ẩn dụ.
Hình ảnh gốc (81 kiếp nạn) không phải của tôi, mà của một đồng nghiệp từ Đại học Quốc Gia Hà Nội. Đồng nghiệp này viết trên Facebook, phàn nàn rằng thủ tục hành chính dành cho NSC tại Việt Nam chả khác gì “81 kiếp nạn”.
Cộng hưởng với ý này, tôi viết một bài nói về “81 kiếp nạn” của NCS du học ở nước ngoài: ngoài hành chính còn có cả chuyên môn; còn cả sống xa nhà, sốc văn hóa, khó hội nhập. Cộng hưởng hai bài lại, ta có một bức tranh rõ nét và rộng lớn của “81 kiếp nạn” cho NCS, dù là trong nước hay quốc tế.
Khi viết cuốn này, với tinh thần “chữa lành”, tôi viết thêm bài “Để vượt qua”. Thế là có tiêu đề sách như vậy.
– Tôi xin phép gọi cuốn sách này là “kiếp nạn số 0” vì dù mỏng, nó chứa đựng một lượng thông tin lớn, trải dài đến khoảng 10 năm đời người (01 năm trước TS + 4 năm TS + 5 năm hậu TS), đa dạng các vấn đề từ học thuật đến hành xử. Tại sao anh lại chọn cả ba quãng đường lớn như vậy cùng lúc: trước – trong – sau TS, chứ không phải thành ba cuốn sách nhỏ?
Bởi cuốn sách trùng với hành trình nghiên cứu của tôi. Khi tôi chốt kế hoạch hoàn thành cuốn sách này, tôi vừa tốt nghiệp TS được 5 năm. Bản thân tôi học NCS rất vất vả, do chuyển từ khoa học tự nhiên sang khoa học xã hội, nên mất tới 6 năm học TS.
Với quan sát của tôi, thì hành trình bắt đầu nghiên cứu không phải một năm trước TS như anh nói, mà thường là 3-5 năm. Đó là lúc người học đấu tranh nội tâm nhất, không chỉ vấn đề trình độ, mà còn là tài chính, sự nghiệp đam mê, gia đình… Những dằn vặt rất người, rất đời ấy sẽ để lại dấu ấn dù người học có tiếp tục học lên bậc NCS hay không.
Đi tiếp bốn năm NCS hẳn là khó khăn. Nhưng khi cầm được tấm bằng rồi, mọi thứ tưởng như viên mãn cả, hóa ra không phải. Tôi nhận ra 5 năm hậu TS mới thực sự đặt ra thử thách hà khắc nhất: Mình có thực sự trở thành nhà nghiên cứu độc lập được không?
Áp lực học thuật đó đi kèm với áp lực xã hội. Cơ quan, gia đình cho phép anh toàn tâm với sách vở 4 năm NCS, giờ là lúc anh cống hiến bù. Anh phải kiêm nhiệm quản lý, hành chính ở trường, anh phải đem tiền về nhà nuôi vợ con vì anh là TS rồi mà. Nhưng thực ra lúc đó mới là lúc anh hoang mang, cô đơn, và khó khăn nhất.
Tổng hành trình trong cuốn sách phải khoảng 15 năm với những kiếp nạn có liên hệ sâu xa, mật thiết với nhau trong việc định hình tôi là ai trong con đường học thuật chuyên nghiệp. Tôi mong các bạn nhìn thấy cả con đường dài như vậy để sẵn sàng “vững tay chèo”.
– Cám ơn anh, giờ ta vào từng kiếp nạn. Trong cảm thức chung của người Việt, kiếp nạn của NCS hẳn là đối mặt với một lý thuyết lớn, khó tham dự các hội thảo đỉnh cao,… Cuốn sách này gây ngạc nhiên từ trang đầu, hóa kiếp nạn hiện ra từ khi gửi hồ sơ, giao tiếp với Giáo sư hướng dẫn cho đến kiếp nạn xin tài chính, nộp kịp hạn. Như anh nói trên, Việt Nam chưa coi NCS là một nghề, với đủ những bước vận hành như nộp lý lịch, giao tiếp với cấp trên, đấu tranh giành ngân sách,… như mọi nghề, nên mới có sự ngạc nhiên vậy?Thực ra những ai ở trong nghề cũng đều biết cả, sẽ không quá ngạc nhiên. Chẳng qua tôi là người đầu tiên đặt ra vấn đề rành mạch đến thế.
Có một cái dở là người trong nghề rất hay nói chuyện lớn lao, tận đẩu tận đâu nhưng bỏ qua các vấn đề đơn giản phải đổi diện hàng ngày. Tôi hay so sánh với đá bóng: Khi giới túc cầu bàn chuyện đỉnh cao như Quả bóng vàng – 1000 cầu thủ mới có 1 người đạt quả bóng vàng thì 999 người còn lại vẫn phải cơm áo gạo tiền, nâng cấp bản thân như người thường thôi.
Ta cứ ru ngủ nhau với hai chuẩn định văn hóa “người thầy cao quý” tôi nói trên. Khi con voi trong phòng đã quá lớn; thì phải có tiếng nói thực tiễn cất lên để cả nội giới nghiên cứu nghiêm túc giải quyết cùng nhau, lẫn toàn xã hội giải ảo những kỳ vọng lớn lao quá mức đặt lên vai người nghiên cứu. Nhận thức rõ ràng và minh bạch “đâu là vấn đề” là nền tảng để đi tiếp với nhau.
– Khi đã coi NCS là một nghề , người tham gia phải hiểu được hệ thống khổng lồ vận hành đằng sau (các cấp bậc hành chính lẫn chuyên môn, những động lực hay cấm kỵ, dòng phân bổ tài chính,…). Trong cuốn sách, cái hệ thống đó được mô tả rất “khốc liệt”. Hẳn đó cũng là một kiếp nạn anh thấy NCS nên vượt qua?
Trên thế gới, nghề nghiên cứu không còn là cộng đồng chuyên môn, mà là thị trường lao động có cạnh tranh, đào thải đầy khắc nghiệt. Việt Nam vẫn còn là mảnh đất học thuật tương đối “hiền hòa”.
NCS chỉ có tỷ lệ tốt nghiệp nhất định, ngay cả người tốt nghiệp rồi cũng chưa chắc chốn dung thân. Ở nước ngoài, hậu TS xong phải lên được Phó GS mới mong có biên chế (tại Việt Nam thì Ths đã có thể có biên chế). Nếu cứ mãi TS thì 2-3 năm lại phải chuyển trường công tác, tôi biết có người bị vợ bỏ vì bà vợ chán cảnh nay đây, mai đó không cố định được chỗ ở.
Thành Phó GS rồi mà không xin được dự án thì cũng thành người vô hình trong trường. Không có dự án thì không có thêm thu nhập, tức là không có tiền về thăm quê.Tôi biết có người là giảng viên ở nước ngoài khi ba mẹ mất còn không đủ tiền mua vé máy bay cho cả nhà về chịu tang.
Những cái khốc liệt ấy, ai trong ngành cũng biết. Tôi đưa vào sách nhiều câu chuyện có thật nhưng tôi thấy vẫn chưa đủ. Đáng lẽ phải có những câu chuyện và chiến lược riêng với từng ngành. Khi thông tin nhiều và sinh động, các bạn trẻ sẽ hình dung đầy đủ hơn, sẽ bớt hỏi vu vơ trên mạng xã hội mà sẵn sàng nhập cuộc (hoặc không) với tâm thế chủ động hơn.
– Quả thật cuốn sách này đã giải ảo rất nhiều. Anh có nghĩ việc nhấn mạnh vào khía cạnh nghề nghiệp này sẽ khiến cuốn sách trở nên hấp dẫn với giới trẻ – những người ngày càng thực dụng và hiểu hơn về sự khốc liệt của thị trường học thuật?
Tôi nghĩ rằng những người đi trước, ngoài nói cái hay cái đẹp, cũng phải có nghĩa vụ nói với đồng nghiệp trẻ cái khó khăn đắng cay của nghề.
Tôi rất thích câu nói của GS Ngô Bảo Châu: “cả những đắng cay cũng nằm trong hạnh phúc”. Tôi viết trong tâm thế đó, để làm sao các bạn trẻ nhìn thấy từ đắng cay của nghề nghiên cứu vẫn thấy cái đẹp đẽ. Cái nhìn thấu suốt ấy giúp các bạn phát triển bền vững và gắn bó với nghề hơn.
Chữ ngắn – Tình dài – Nghĩa nặng
– Phần cuối sách, 5 năm hậu TS có lẽ minh họa rõ nhất cho triết lý trên. Tôi đoán rằng anh dồn nhiều tâm huyết nhất cho phần đó?
Phần cuối đậm tính cá nhân, bởi đó là những việc tôi vừa đi qua, vừa vất vả để xử lý xong.
Bài Nhà nghiên cứu học gì từ xưởng mộc đến từ một chuyến tham quan xưởng mộc. Tôi thấy rất nhiều tượng thừa thẹo, tượng Di lặc hơi gầy, tượng con ngựa dáng chạy không thanh thoát. “Đẹp đẽ kheo ra, xấu xa cũng không đậy lại” bởi ông chủ xưởng muốn các thợ của mình thấy cái chưa tốt mỗi ngày mà tự nhắc mình, sửa mình.
Hệ thống học thuật cũng vậy, phải bao dung hơn với lỗi lầm. Từng tác giả cần bao dung với đồng nghiệp, với chính mình, mà cách bao dung tốt nhất là trưng bày tất cả các nghiên cứu của mình, kể cả những nghiên cứu dở. Tự nhắc mình, tự nhắc người. Xưởng mộc ấy giúp tôi giải tỏa được nhiều trăn trở.
Bài “Chuyện ít biết về những công nhân khoa học lang thang” chất chứa nhiều hoang mang. 5-7 năm trước, mọi thứ đều màu hồng: NCS ở trường hàng đầu, niềm tự hào của cả dòng họ. Nhưng tới khi hậu TS lại không ổn định, cha mẹ ốm cũng không đủ tiền về thăm. Với trình độ đó, về nước lại có mức sống thỏa đáng hơn. Câu chuyện thật, vừa đáng thảo luận lý tính, vừa ngậm ngùi nhân sinh.
Có việc đến giờ tôi vẫn đau đáu. Nhà nghiên cứu cần làm gì khi bị tố cáo vi phạm liêm chính? Cầu thủ đá nhầm đồng đội gây chấn thương thì bị thẻ đỏ, ba trận nghỉ rồi lại đá. Nhưng nhà nghiên cứu bị tố nặc danh trên mạng lại thành cái án lơ lửng, như thể đóng dấu lên mặt vậy, vĩnh viễn không gột được.
Đó là nỗi đau cả về đạo đức cả ở khía cạnh làm nghề lẫn làm người.
Thế nên tôi chốt phần cuốn sách bằng lời của nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến dành tặng Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió. Như người đi thuyền ra biển lớn, chỉ khi đi qua giông bão thì nhà văn hay nhà nghiên cứu mới cập được bến bờ.
Cuốn sách này của tôi như là một tay chèo tặng các bạn NCS; còn chèo là việc của các bạn.
– Nói đến chuyện văn chương. Tôi nghĩ rằng điểm độc đáo nhất của cuốn sách là sự rõ ràng trong chỉ dẫn và sự thân tình trong hành văn – sự kết hợp hài hòa giữa nhà khoa học và nhà giáo. Anh đã mài rũa khả năng viết này như thế nào?
Tôi là nhà nghiên cứu mà kỹ năng quan trọng nhất là đọc và viết, tôi đã rèn 20 năm rồi. Với tôi, đọc-viết còn quan trọng hơn cả hít thở.
Ngoài viết học thuật, tôi may mắn có chút kinh nghiệm làm báo; một chút máu văn chương (tôi từng được giải trong cuộc thi văn học quốc tế hồi còn học NCS ở Đài Loan – Trung Quốc). Nên anh sẽ thấy cuốn này có cả thủ pháp phân tích khái niệm khoa học, đan xen một chút phóng sự, tùy bút.
Nhưng trên cả kỹ thuật, tôi luôn tâm đắc tư tưởng viết của Nhà thơ Lê Đạt ( tôi là fan của ông): “Chữ ngắn – Tình dài – Nghĩa nặng”.
Cái độ nén của tình – nghĩa ấy, tôi áp dụng cho mọi tác phẩm viết của mình, không chỉ ở cuốn này.
– Hầu hết các lời bình về cuốn sách đều bắt đầu từ “Giá như tôi được đọc cuốn sách này sớm hơn” – thể hiện sự thiếu hụt lớn những hệ thống hỗ trợ ngoài học thuật cho NCS. Anh nghĩ tình trạng này đang và sẽ được cải thiện ra sao tại Việt Nam?
Có một khái niệm trong kinh tế: phát triển dựa vào tri thức. Với nước phát triển, đội ngũ tri thức phải là trung tâm của chuỗi giá trị và nền kinh tế, xã hội. Nghiên cứu – ứng dụng – chuyển giao là chu trình vận động của nghề.
Nghề tri thức ở Việt Nam chưa đạt đến tới mức đó, nó chỉ ở mức quan trọng chứ chưa phải quan trọng nhất. Con đường đến viễn cảnh này vẫn cần đầu tư về chính sách. Nghị quyết 57 của Trung ương Đảng đang đưa ra những quyết sách đúng đắn với rất nhiều hy vọng. Nhưng từ phía nhà khoa học, cũng nên tự tìm cách chủ động phát triển.
Có những nghề đã tự vận động như báo chí, luật sư, tư vấn… thì nghề học thuật cũng phải vậy. Phải hành xử chuyên nghiệp, phải nâng cao tiêu chuẩn, cập nhật, hội nhập toàn cầu; thay vì nói mãi những điều 30 năm rồi chưa thay đổi.
Nguồn lực xã hội hỗ trợ ngành học thuật đang tốt dần lên nhưng các biến chuyển là quá nhanh dẫn đến hỗ trợ có thể không theo kịp. Thế nên tự lực thay đổi vẫn là cấp thiết nhất; như cuốn sách này để động viên nhau, khuyến khích mỗi người tự đóng góp theo khả năng của mình.
Con đường thỉnh kinh lúc nào cũng xa xôi. Nhưng bí quyết thành công của việc “leo núi” của GS.Lafforgue như có viết trong sách rất đơn giản: nhìn thấy đỉnh núi, rồi bước chân trái, rồi bước chân phải, cho tới khi cán đích.



